Chịu sự ảnh hưởng lớn của văn hóa phương Tây nên ở Đà Lạt hiện nay có khá nhiều nhà thờ đẹp và nổi tiếng, là điểm đến của những người theo đạo hay muốn tìm một nơi yên bình, tĩnh lặng để nuôi dưỡng tâm hồn. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về Cam Ly - Nhà thờ gỗ ở Đà Lạt khá nổi tiếng với kiểu kiến trúc độc đáo cùng phong cảnh trữ tình.
Sơ lược về nhà thờ gỗ Cam Ly tại Đà Lạt
Nhà thờ Cam Ly (lấy từ tên của thác nước Cam Ly rất nổi tiếng của Đà Lạt), hay còn được gọi là nhà thờ Sơn Cước, là một nhà thờ thuộc Giáo hội Công giáo Việt Nam. Nhà thờ được linh mục Boutary (người Pháp) kết hợp với nhà thầu Nguyễn Thanh Hồ xây dựng trong thời gian 8 năm (từ 1959 - 1967) để phục vụ chủ yếu cho người dân tộc thiểu số.
Nhà thờ Cam Ly có kiểu dáng được lấy cảm hứng từ những ngôi nhà Rông của người dân Tây Nguyên và được xây dựng theo trường phái kiến trúc thô mộc, kiểu kiến trúc đơn giản, độc đáo và thường áp dụng yếu tố lặp lại một bộ phận cấu trúc nào đó ở các vị trí khác nhau để thành một thể thống nhất. Trường phái này bắt nguồn từ năm 1949 ở Thụy Điển và phát triển mạnh mẽ từ những năm 1950 - 1970 ở châu Âu. Do đó, có thể nói nhà thờ gỗ Cam Ly là sự kết hợp hài hòa, ấn tượng giữa kiến trúc truyền thống với phong cách hiện đại phương Tây.
Tổng quan về kiến trúc nhà thờ gỗ Cam Ly ở Đà Lạt
Nhà thờ Cam Ly tọa lạc trên một mảnh đất hình chữ nhật có diện tích 324m2 với 1/3 là cung thánh và 2/3 còn lại làm nơi dành cho các tín đồ.
Nếu nhìn từ phía chính diện, mái nhà nhọn cao hơn 17m tượng trưng cho hình ảnh mũi tên đang bay thẳng lên trời. Nhìn từ hai bên, mái giáo đường hình chữ nhật nằm nghiêng tượng trưng cho một lưỡi búa khổng lồ. Đây đều là hình ảnh về những thứ vũ khí quen thuộc, cần thiết cho đời sống thường ngày của người dân tộc.
Ý nghĩa hơn, trong nhà thờ còn được trang trí các ô cửa sổ kính màu với họa tiết, hoa văn dân tộc như hình vuông, hình tam giác,….Theo quan niệm của người dân tộc, hình tam giác tượng trưng cho sự ưu việt của Chúa còn hình vuông tượng trưng cho Trái Đất được bao quanh bởi các thiên thể: sao Hỏa, sao Kim, sao Mộc và Mặt Trời. Ngoài ra, trên tường đá dưới cây thánh giá còn được gắn 3 cái sừng trâu. Đối với người dân tộc, trâu là linh vật được sử dụng để tế lễ cho thần linh mỗi khi được mùa hoặc để thể hiện lòng sùng kính.
Bên cạnh đó, ở tiền sảnh còn có tượng hai loài động vật là hổ và phượng hoàng. Đối với người dân nơi đây, hổ là biểu tượng của sức mạnh còn phượng hoàng lại tượng trưng cho sự thông thái. Bên cạnh đó, người dân tộc chỉ cảm thấy an toàn và được che chở khi có phượng hoàng canh gác, cảnh báo từ xa và hổ nằm bảo vệ ngay bên cạnh. Đây cũng là những biểu tượng mang tính triết lý cao: Con người vốn có bản năng hoang dã nguyên thủy như hổ. Nhưng khi được dẫn dắt, khai sáng và hoàn thiện bởi Chúa, con người sẽ trở nên khôn ngoan, dịu dàng như phượng hoàng.
Trên đây là những thông tin về nhà thờ Cam Ly - Nhà thờ gỗ Đà Lạt khá nổi tiếng mà cơ sở Nhà Gỗ Việt muốn chia sẻ. Có thể nói sau nhiều năm gắn bó, linh mục Boutary đã thực sự nắm rõ về những nét độc đáo, ấn tượng trong văn hóa truyền thống và đời sống tâm linh của người dân tộc thiểu số, từ đó tạo nên một công trình ấn tượng như nhà thờ Cam Ly. Bên cạnh đó, nếu bạn quan tâm có thể liên hệ với cơ sở Nhà Gỗ Việt để được tư vấn thêm thông tin về nhà gỗ kiểu Đà Lạt đẹp, hiện đại, kiến trúc độc đáo và ấn tượng.